Giết con chim nhại - Chương 2

Dill chia tay chúng tôi vào đầu tháng Chín, để trở về Meridian. Chúng tôi tiễn nó lên chuyến xe buýt năm giờ và tôi đau khổ vì vắng bóng nó cho đến khi nhớ ra còn một tuần nữa là phải đi học. Tôi không bao giờ mong chờ bất cứ điều gì hơn trong đời. Nhiều giờ trong mùa đông tôi ở trong ngôi nhà trên cây, nhìn qua sân trường, theo dõi bọn trẻ bằng ống nhòm phóng đại hai lần mà Jem cho tôi, nghiên cứu những trò chơi của chúng, dõi theo chiếc áo khoác đỏ của Jem qua những nhóm bạn luồn lách chơi trò bịt mắt bắt dê, bí mật chia sẻ những vận rủi và những chiến thắng nho nhỏ của tụi nó. Tôi thèm được nhập bọn với chúng.

Jem hạ cố dẫn tôi đến trường ngày đầu tiên, một công việc do bố mẹ thường làm, nhưng bố Atticus nói Jem sẽ thích chỉ cho tôi biết phòng học của tôi chỗ nào. Tôi nghĩ hẳn anh được một ít tiền trong phi vụ này, vì khi chúng tôi chạy lóc cóc quẹo góc phố ngang ngôi nhà Radley tôi nghe tiếng xủng xoẻng khác thường trong túi của Jem. Khi chúng tôi đi chậm lại tại rìa trường, Jem cẩn thận giải thích rằng trong giờ ở trường tôi không được làm phiền anh ấy, tôi không được lại gần anh ấy để yêu cầu diễn một đoạn trong Tazan and the Ant Men 1, làm anh bẽ mặt qua việc nhắc tới cuộc sống riêng tư của anh ấy, hay lẽo đẽo theo sau anh vào giờ giải lao và buổi trưa. Tôi phải chơi với bọn lớp một của tôi còn anh ấy chơi với bọn lớp năm. Tóm lại, tôi phải để anh yên.

"Ý anh là tụi mình không chơi chung nữa hả?" Tôi hỏi.

"Ở nhà mình vẫn chơi chung," anh nói, "nhưng mày biết đó-trường học thì khác chứ."

Chắc chắn như vậy rồi. Trước khi buổi sáng đầu tiên trôi qua, cô Caroline Fisher, cô giáo của chúng tôi, lôi tôi lên trước lớp và khẻ tay tôi bằng cây thước, rồi bắt tôi đứng ở góc phòng đến tận trưa.
Cô Caroline chưa quá hai mươi mốt tuổi. Cô có mái tóc màu nâu sáng, má hồng, và sơm móng tay màu đỏ thẫm. Cô cũng mang giày cao gót và mặc váy sọc trắng đỏ. Cô trông giống và có mùi một giọt bạc hà. Cô ở trọ bên kia đường cách nhà chúng tôi một căn, trong phòng trên lầu của cô Maudie Atkinson, và khi cô Maudie giới thiệu tôi với cô, Jem bối rối trong nhiều ngày.

Cô Caroline viết tên cô bằng chữ in trên bảng và nói, "Câu này nghĩa là: Tôi là cô Caroline Fisher. Tôi quê ở Bắc Alabama, hạt Winston." Cả lớp lầm bầm đầy lo lắng, liệu cô có chứng tỏ mình mang những nét quái đản đặc trưng của vùng đó không đây. (Khi Alabama ly khai khỏi liên bang ngày 11 tháng Giêng năm 1861, hạt Winston đã ly khai khỏi Alabama, và mọi đứa trẻ ở hạt Maycomb đều biết vụ này.) Bắc Alabama vẫn đầy những tập đoàn kinh doanh rượu, những tay Big Mule2, các công ty thép, các đảng viên Cộng hòa, giáo sư, và những người khác không rõ lai lịch.

Cô Caroline bắt đầu ngày học bằng việc đọc cho chúng tôi nghe một câu chuyện về những chú mèo. Lũ mèo có những cuộc chuyện trò dài với nhau, chúng mặc quần áo nhỏ trông hấp dẫn và sống trong ngôi nhà ấm áp bên dưới một cái bếp lò. Vào lúc bà Mèo gọi điện đến cửa hàng dược phẩm đặt mua món chuột ướp mạch nha sôcôla cả lớp ngó ngoáy giống như một thùng đựng sâu nho. Cô Caroline có vẻ không biết rằng bọn lớp một mặc váy bằng bao bột mì và áo sơ mi bằng vải bông sờn rách này, hầu hết đều chặt cây bông và cho heo ăn từ lúc mới biết đi, đã miễn nhiễm với thứ văn chương tưởng tượng. Cô Caroline kết thúc câu chuyện và hỏi, "Thế nào, chuyện hay không?"

Sau đó cô lên bảng và viết bảng chữ cái bằng những chứ in vuông thật lớn, quay xuống lớp và hỏi, "Có ai biết những chữ này không?"

Mọi đứa đều biết; hầu hết lớp một đều không làm được chuyện này năm ngoái.

Tôi cho rằng cô chọn tôi vì cô biết tên tôi; khi tôi đọc bảng chữ cái, một nét nhăn mơ hồ xuất hiện giữa cặp chân mày cô và sau khi tôi đọc lớn hầu hết cuốn My First Reader và những bảng báo giá thị trường chứng khoán trên tờ The Mobile Register, cô phát hiện ra rằng tôi đã biết chữ và nhìn tôi với vẻ không hài lòng hơn nữa. Cô Caroline bảo tôi nói với bố tôi đừng dạy tôi nữa, nó sẽ gây trở ngại cho việc học của tôi.

"Dạy em?" Tôi nói với vẻ ngạc nhiên, "Bố em chẳng dạy em gì cả, cô Caroline. Bố Atticus không có thời gian dạy em bất cứ thứ gi," tôi nói thêm, khi đó cô Caroline mỉm cười lắc đầu. "Ồ, buổi tối bố em rất mệt và chỉ ngồi ở phòng khách đọc sách báo thôi."

"Nếu ông ấy không dạy em thì ai dạy?" Cô Caroline hỏi có vẻ ân cần. "Ai đó đã dạy em. Em đâu có bẩm sinh là đọc được tờ The Mobile Register."

"Jem nói em đọc được. Anh ấy đọc trong một cuốn sách trong đó em mang họ Bullfinch thay vì Finch 3. Jem nói tên em thật ra là Jean Louise Bullfinch, rằng em bị tráo lúc mới sinh và em thực tình là một...."

Rõ ràng cô Caroline đang nghĩ tôi nói láo. "Đừng để những tưởng tượng chi phối chúng ta, em yêu," cô nói. "Bây giờ hãy về nói với ba em đừng dạy em nữa. Tốt nhất là bắt đầu tập đọc với đầu óc mới mẻ. Em hãy nói với ba từ bây giờ cô sẽ lo việc này và cố cứu vãn thiệt hại này..."
"Thưa cô?"
"Ba em không biết cách dạy. Em có thể ngồi xuống."

Tôi lí nhí rằng tôi rất tiếc và về chỗ ngẫm nghĩ về tội của mình. Tôi không hề chủ tâm học đọc, nhưng bằng cách nào đó tôi đã đắm mình một cách lén lút vào những tờ nhật trình. Trong những giờ đằng đẵng ở nhà thờ-có phải tôi đã học lúc đó? Tôi không nhớ được có lúc nào mình không đọc được những bài thánh ca. Bây giờ tôi buộc phải nghĩ về nó, việc đọc là một điều gì đó tự nhiên đến với tôi, như việc học cách cài chặt đũng quần của bộ áo liền quần mà không cần nhìn quanh, hoặc việc thắt được hai cái nơ từ mớ dây giầy rối nùi. Tôi không thể nhớ khi nào những dòng chữ bên trên ngón tay di chuyển của bố Atticus tách ra thành những từ rời, nhưng tôi đã chăm chú nhìn chúng suốt những buổi tối trong ký ức tôi, trong khi lăng nghe tin tức trong ngày, những dự luật được thông qua thành luật, nhật ký của Lorenzo Dow 4- mọi thứ mà bố Atticus ngẫu nhiên đang đọc khi tôi bò lên đùi ông mỗi tối. Cho đến khi tôi sợ rằng sẽ mất nó, thì tôi chưa bao giờ yêu thích việc đọc. Người ta đâu có yêu việc thở.

Tôi biết mình đã quấy rầy cô Caroline, vì vậy tôi được yên thân và nhìn ra cửa sổ cho đến giờ ra chơi khi Jem tách tôi ra khỏi đám học trò lớp một trong sân trường. Jem hỏi tôi xoay xở ra sao. Tôi kể anh ấy nghe.

"Nếu không phải ở lại, em đã bỏ về. Jem, cái cô đáng ghét đó nói bố Atticus đã dạy em đọc và bố phải ngừng chuyện đó lại..."

"Đừng lo, Scoutt," Jem trấn an tôi. "Thầy tao nói cô Caroline đang giới thiệu một phương pháp dạy mới. Cô học điều đó ở trường đại học. Rồi tất cả các lớp sẽ áp dụng nó ngay thôi. Mày không phải học nhiều từ những cuốn sách theo cách ấy-nó giống như nếu muốn biết về loài bò, mày phải đi vắt sữa một con bò vậy, hiều không?"

"Hiểu, Jem, nhưng em không muốn học về bò, em..."
"Chắc chắn rồi. Mày phải biết về loài bò, chúng là phần quan trọng trong đời sống ở hạt Maycomb."
Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được ham muốn hỏi Jem có phải anh bị mất trí hay không.

"Tao chỉ ráng nói cho mày biết về cách dạy mới mà người ta áp dụng cho lớp một, đồ lì lợm. Đó là Hệ thống thập phân Dewey 5"

Chưa từng nghi ngờ về những tuyên bố chính thức của Jem, nên tôi thấy không có lý do gì để hỏi lúc này. Hệ thống thập phân Dewey, trong chừng mực nào đó, bao gồm việc cô Caroline vung vẩy trước mặt chúng tôi những tấm bảng trên đó viết những chữ như "the"", "cat", "rat", "man" và "you". Có vẻ như cô giáo không chờ đợi ở chúng tôi lời bình luận nào, và lớp học nhận được những phát hiện đầy ấn tượng này trong im lặng. Tôi thấy chán, vì vậy tôi bắt đầu viết thư cho Dill. Cô Caroline bắt gặp tôi viết và bảo tôi phải nói với bố tôi ngừng dạy tôi. "Với lại," cô nói. "Chúng ta không viết trong lớp một, chúng ta chỉ tập đồ mẫu tự rời thôi. Em sẽ không học viết cho đến khi lên lớp ba."

Calpurnia là người chịu trách nhiệm về việc này. Nó giúp tôi khỏi làm bà phát điên vào những ngày mưa, tôi đoán vậy. Bà ấy đặt cho tôi bài tập viết bằng việc vẽ nguệch ngoạc bảng chữ cái ở phía trên một tấm bảng, sau đó chép lại một chương Kinh Thánh bên dưới. Nếu viết lại được theo nét của bà một cách thỏa đáng, tôi sẽ được bà thưởng một miếng sandwich phết bơ và đường. Trong việc dạy dỗ của Calpurnia, không hề có sự đa cảm: tôi hiếm khi làm bà hài lòng và bà hiếm khi thưởng cho tôi.
"Em nào về nhà ăn cơm trưa giơ tay lên?" Cô Caroline nói, cắt ngang cơn bực bội mới mẻ của tôi đối với Calpurnia.

Những đứa bé thị trấn giơ tay lên, và cô nhìn khắp chúng tôi.
"Em nào mang bữa trưa theo để lên bàn."

Những xô mật mía đột nhiên xuất hiện, và trần nhà lấp loáng ánh sáng kim loại. Cô Caroline đi lên đi xuống các dãy bàn nhìn và ấn ngón tay vào các hộp đựng bữa trưa, gật đầu nếu thứ bên trong làm cô hài lòng, hơi nhíu mày trước những thứ khác. Cô dừng lại trước bàn của Walter Cunningham. "Bữa trưa của em đâu?" Cô hỏi.

Khuôn mặt của Walter Cunningham cho mọi đứa trong lớp một biết rằng nó bị giun móc. Việc nó không đi giày cho chúng tôi biết rằng nó bị nhiễm giun ra sao. Người ta bị giun móc khi đi chân không trong chuồng ngựa và bãi đầm mình của heo. Nếu Walter có giầy nó sẽ mang vào ngày đầu tiên đến trường sau đó vứt chúng đi cho đến giữa mùa đông. Nó mặc chiếc áo sơ mi sạch và bộ áo liền quần được sửa vừa vặn.

"Sáng nay em quên mang bữa trưa à?" Cô Caroline hỏi.

Walter nhìn thẳng trước mặt. Tôi thấy một bên cơ hàm trơ xương của nó giật giật.

"Em quên mang bữa trưa hả?" Cô Caroline hỏi. Hàm của nó lại giật.

"Dạ, thưa cô," cuối cùng nó lí nhí.

Cô Caroline đến bàn của cô và mở ví tiền ra. "Đây là đồng hăm lăm xu," cô nói với Walter. "Hôm nay xuống phố ăn đi. Mai trả lại cô 6"

Walter lắc đầu. "Không, cảm ơn cô," nó nói nhừa nhựa.

Giọng cô Caroline bắt đầu mất kiên nhẫn, "Đây Walter, cầm lấy."

Walter lại lắc đầu.

Khi Walter lắc đầu lần thú ba có đứa thì thào, "Lên nói với cô đi, Scout."

Tôi quay quanh và thấy hầu như cả đám dân thị trấn và toàn bộ nhóm đi xe buýt nhìn tôi. Cô Caroline đã nói chuyện với tôi hai lần, và chúng nhìn tôi với sự tự tin ngây thơ rằng sự quen biết dẫn đến thông cảm.

Tôi đứng dậy đàng hoàng nhân danh Walter, "A-thưa cô Caroline?"

"Gì đó, Jean Louise?"

"Cô Caroline, bạn ấy là người nhà Cunningham."

Tôi ngồi xuống.

"Là sao, Jean Louise?"

Tôi cứ nghĩ mình đã làm mọi việc trở nên rõ ràng lắm rồi. Nó đủ rõ ràng với tất cả chúng tôi: Walter Cunningham đang ngồi đó gục đầu xuống. Nó không quên bữa trưa, nó không có bữa trưa gì cả. Hôm nay nó không có và cả ngày mai hay ngày mốt cũng không có luôn. Chắc cả đời nó chưa từng thấy ba đồng hai mươi lăm xu cùng một lúc bao giờ.

Tôi thử lần nữa, "Walter là người của nhà Cunningham, cô Caroline."

"Rất tiếc, cô không hiểu, Jean Louise."

"Phải rồi, thưa cô, cô sẽ biết rõ mọi người dân thị trấn chỉ sau một thời gian ngắn. Người nhà Cunningham không bao giờ nhận bất cứ thứ gì mà họ không thể trả lại-không giờ quyên góp ở nhà thờ và cũng không phiếu bạc lẻ 7. Họ không bao giờ nhận bất cứ thứ gì của bất cứ ai, họ sống với những gì họ có. Họ không có nhiều, nhưng họ xoay xở được với điều đó."

Hiểu biết đặc biệt của tôi về dòng họ Cunningham-tức là một nhanh của họ-có được từ những sự kiện năm ngoái. Cha Walter là một trong những thân chủ của bố Atticus. Một đêm, sau cuộc nói chuyện không vui trong phòng khách của chúng tôi về vụ hạn chế thừa kế của ông, trước khi ra về, ông Cunningham nói: "Ông Finch, tôi không biết chừng nào mới trả thù lao cho ông được."
"Đừng lo lắng chuyện đó, Walter," bố Atticus nói.

Khi tôi hỏi Jem hạn chế thừa kế là gì, và Jem mô tả nó như tình trạng bị kẹt đuôi trong một khe nứt, và tôi hỏi bố Atticus liệu ông Cunningham có trả tiền cho nhà mình không.

"Không trả bằng tiền," bố Atticus nói, "nhưng trước cuối năm họ sẽ trả. Con cứ để ý xem."

Chúng tôi đã để ý. Một sáng Jem và tôi thấy một đống củi ở sân sau. Sau đó một bao hạt hồ đào nằm ở bậc thềm sau nhà. Giáng sinh là có một thùng dây leo và cây ô rô để trang trí. Mùa xuân đó chúng tôi thấy có một bao đầy rau củ cải, bố Atticus nói ông Cunningham đã trả cho bố quá nhiều.

"Sao ổng lại trả cho bố nhu vậy?" Tôi hỏi.

"Vì đó là cách duy nhất ông ấy có thể trả cho bố. Ông ấy không có tiền."
"Nhà mình có nghèo không, bố Atticus?"

Bố Atticus gật đầu. "Mình có nghèo."

Mũi Jem nhăn lại. "Mình có nghèo như nhà Cunningham không?"
"Không hẳn. Nhà Cunningham là dân nông thôn, là nông dân, và vụ sập tiệm chứng khoán giáng vào họ mạnh nhất 8"

Bố Atticus nói những người có tay nghề đều nghèo bởi vì các nông dân nghèo. Vì hạt Maycomb là hạt nông nghiệp, bác sĩ, nha sĩ và luật sư khó kiếm được những đồng năm xu và mười xu. Việc hạn chế thừa kế chỉ là một phần trong những ưu tư cho ông Cunningham. Những cánh đồng không bị hạn chế thừa kế đã được cầm cố gần hết sạch, và số tiền mặt ít ỏi ông kiếm được thì phải trả tiền lãi. Nếu biết giữ mồm giữ miệng, ông Cunningham có thể kiếm được một việc làm ở WPA 9, nhưng đất đai của ông sẽ tàn lụi nếu ông rời bỏ nó, và ông sẵn sàng nhịn ăn để giữ đất và quyền bỏ phiếu theo ý thích. Bố Atticus nói ông Cunningham thuộc loại người ngoan cường ít chịu thay đổi.

Vì người nhà Cunningham không có tiền để trả cho luật sư, nên họ chỉ trả cho chúng tôi bằng những gì họ có. "Con có biết," bố Atticus nói, "bác sĩ Reynolds cũng làm việc theo cách này không? Với một số người, ông tính thù lao một lần đỡ đẻ là một thúng khoai tây. Scout, nếu con chú ý bố sẽ nói cho con biết hạn chế thừa kế là gì. Định nghĩa của Jem đôi khi cũng khá chính xác."

Nếu giải thích được những chuyện này với cô Caroline, hẳn tôi đã tránh được ít nhiều phiền toái cho mình và cảnh ê chề sau đó cho cô Caroline, nhưng giải thích mọi việc rõ ràng như bố Atticus là chuyện nằm ngoài khả năng của tôi, vì vậy tôi nói, "Cô đang làm nó xấu hổ, cô Caroline. Walter không có đồng hai mươi lăm xu nào ở nhà để trả cô đâu, và cô cũng không thể dùng củi."

Cô Caroline đứng bất động, rồi cô nắm lấy cổ áo tôi và lôi tôi lên bàn của cô. "Jean Louise, em như vậy với tôi sáng nay thế là đủ rồi," cô nói. "Trong chuyện nào em cũng khởi đầu hỏng bét cả. Giơ tay ra."

Tôi nghĩ cô sẽ nhổ nước bọt lên đó, đó là lý do duy nhất mà mọi người ở Maycomb chìa tay ra: đó là phương thức đánh dấu hợp đồng miệng có từ lâu đời. Tự hỏi không biết chúng tôi đã thỏa thuận được điều gì, tôi quay xuống lớp tìm câu trả lời, nhưng cả lớp nhìn lại tôi đầy hoang mang. Cô Caroline cầm cây thước lên, phết lẹ làng vào đó sáu cái, rồi bảo tôi đứng vào góc. Một trận cười vỡ òa khi cả lớp rốt cuộc nhận ra rằng cô Caroline đã quất tôi.

Khi cô Caroline dọa cả lớp sẽ bị y như vậy, lớp một lại ôm bụng cười nữa, chúng chỉ nghiêm túc lại khi bóng cô Blount trùm lên chúng. Cô Blount, một người chính gốc Maycomb cho đến lúc đó chưa biêt gì về những bí ẩn của Hệ thống thập phân, xuất hiện ngay cửa lớp, tay chống nạnh và thông báo, "Nếu còn nghe thấy âm thanh nào khác từ phòng này, tôi sẽ thiêu rụi mọi người trong đây. Cô Caroline, lớp sáu không thể tập trung vào kim tự tháp vì tất cả sự ồn ào này!"

Tôi chỉ phải đứng trong góc một lát. Được tiếng chuông hết giờ cứu, cô Caroline nhìn theo cả lớp xếp hàng một để đi ăn trưa. Khi rời khỏi phòng sau tất cả những đứa khác, tôi thấy cô ngồi sụp xuống ghế và vùi đầu vào cánh tay. Nếu cô cư xử tử tế đối với tôi, tôi sẽ cảm thấy tiếc cho cô. Cô cũng thuộc loại khá xinh xắn.
Chú thích:
1. Nghĩa là Tazan và những người kiến.
2. Liên minh giữa các chủ đồn điền lớn với giới công nghiệp Alabama, chi phối nền chính trị của bang này, ủng hộ những chính sách bảo thủ.
3. Ở đây Jem nói đùa với em gái dựa trên cuốn sách cậu đang đọc, cuốn Bullfinchs Mythology(Thần thoại của Bulfinch), một tuyển tập các truyện thần thoại Hy Lạp phổ biến thời đó. Cách phát âm hai từ Bullfinch và Bulfinch tương tự nhau. Trong tiếng Anh, Bukk nghĩa là con bò.
4. Lorenzo Dow(1777-1834): Nhà truyền giáo thuộc phái Giám lý từng đi khắp nước Mỹ, có tới Alabama.
5. Phương pháp đánh số phân loại sách trong thư viện do Melvil Dewey lập ra. Jem lẫn lộn ông này với John Dewey, lý thuyết gia về giáo dục tiến bộ.
6. Trong thời khủng hoảng kinh tế này, một ổ bánh mì giá 5 xu, vé xem phim giá 10 xu, một gallon xăng (3,8lit) giá 16 xu.
7. Scrip stamp: phiếu thay tiền giấy có mệnh giá nhỏ, dưới 1 USD, được phát hành khi khẩn cấp. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều chính quyền địa phương cấp phát loại phiếu này cho dân thất nghiệp.
8. Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929: sự kiện khơi mài cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ.
9. Works Progress Administration-Sở quản lý tiến độ công trình: một trong nhiều cơ quan được thành lập để giải quyết nạn thất nghiệp trong khủng hoảng kinh tế. WPA ra đời năm 1935 để phát triển một chương trình công trình công cộng với kinh phí nhỏ cho vật tư và kinh phí lớn cho lương bổng.
>

'Suy niệm mỗi ngày' - tuyệt tác cuối đời của Lev Tolstoy

Đại văn hào Nga đã dành tám năm cuối đời hoàn thành tác phẩm "Suy niệm mỗi ngày" - cuốn sách được xem là đóng góp có giá trị lâu dài nhất của ông cho nhân loại.

Tên sách: Suy niệm mỗi ngày
Tác giả: Lev Tolstoy
Dịch giả: Đỗ Tư Nghĩa
Nhà xuất bản Hồng Đức

Cuốn sách Suy niệm mỗi ngày của Lev Tolstoy (1828-1910) vừa được phát hành ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sách được giới thiệu đến bạn đọc qua bản dịch của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa.


Lev Tolstoy vốn nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, trong đó có hai bộ đại tiểu thuyết là Chiến tranh và hòa bình và Anna Keranin. Nhưng Suy niệm mỗi ngày mới là cuốn sách ông yêu mến hơn tất cả những tác phẩm khác của mình. Tolstoy xem cuốn sách này là đóng góp quan trọng nhất của ông cho nhân loại.

Là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhưng khi bước vào tuổi già, Tolstoy không còn đánh giá cao những bộ tiểu thuyết vĩ đại của chính mình. Thay vào đó, đại văn hào tin rằng điều quan trọng hơn hết trong công việc viết lách là mang đến những tác phẩm hướng dẫn con người về đạo đức và tâm linh.

Ông bày tỏ quan điểm: "Sáng tác một cuốn sách dành cho đám đông, cho hàng triệu người thì lợi ích và tầm quan trọng không gì sánh nổi so với việc viết ra một cuốn tiểu thuyết chỉ cho một bộ phận người thuộc tầng lớp thượng lưu tiêu khiển trong khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi thì sau đó bị lãng quên mãi mãi".

Theo Tolstoy, hành trình để mỗi con người tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt trong nhân cách và đạo đức là hành trình đòi hỏi sự suy niệm, kiên trì và tu tập không ngừng nghỉ. Để biên soạn công trình 8 năm cuối đời, đại văn hào Nga chắt lọc, thu góp tài liệu từ nhiều nguồn: những thánh điển, tôn giáo chủ chốt, hệ thống triết học lớn và những tác phẩm văn học của hơn ba trăm trong số những tác giả ưa thích của ông...

Trong sách, Tolstoy trình bày minh triết tâm linh của nhiều dân tộc, nền văn hóa và giai đoạn lịch sử dưới dạng bộ sưu tập tư tưởng kiểu "nhật tụng". Sách có 30 chủ đề - ngụ ý về 30 ngày trong tháng. Mỗi chủ đề này được giảng giải, phân tích dưới dạng những đoạn văn ngắn.

Các chủ đề được lặp đi lặp lại theo chu kỳ - tương tự như các tháng lặp lại trong một năm. Đây được xem như một cuốn lịch về sự minh triết. Mỗi ngày, độc giả có thể lần giở từng trang để cùng Tolstoy suy ngẫm về từng chủ đề - vốn được sắp xếp theo trình tự logic, thuận tiện cho việc theo dõi. Đó là các chủ đề về: Đức Tin, Linh hồn, Thượng đế, Tình yêu đại đồng, Lòng kiêu mạn, Tự phụ và danh vọng, Tham lam và của cải, Phán xét và trừng phạt, Bạo động và chiến tranh, Khoa học sai lầm, Giận và thù, Nỗ lực, Lòng hy sinh, Hạnh phúc, Lao động và sự nhàn rỗi... Mỗi trang sách là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng Đông - Tây, như: tư tưởng Lão Tử, triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson, Pscal, The Talmud (được xem như "Kinh thánh" của người Do Thái), tục ngữ Trung Hoa, tục ngữ Ba Tư, minh triết Phật giáo...



"Hãy cố sống cuộc đời bạn sao cho mà, nhỡ ra nếu nó kết thúc sớm, thì thời gian còn lại, sẽ là một món quà bất ngờ" - trích "Suy niệm mỗi ngày" của Lev Tolstoy.


Dù đề cập đến đề tài triết học, tâm linh hoặc đơn thuần là những cảm xúc thường nhật ở mỗi con người, Tolstoy đều dẫn giải chúng với giọng văn cô đọng, giản dị, dễ hiểu và lôi cuốn. Trong bản dịch, dịch Đỗ Tư Nghĩa còn đan xen những cước chú của chính ông về các quan điểm của Tolstoy. Điều này khiến cho việc đọc sách như là một cuộc luận đàm thú vị giữa ba bên: độc giả - tác giả và dịch giả.

Trước khi ông qua đời vào năm 1910, cuốn sách được phát triển dần qua nhiều lần hiệu đính. Ban đầu, sách ra đời với tên The Thoughts of Wise Men (tạm dịch: Minh triết của Hiền nhân, 1903). Sau đó, sách được hiệu đính, đặt lại tên là A Circle of Reading (Tạm dịch: Một chu kỳ đọc, 1906). Cuối cùng, tác phẩm được biết đến với tên như Wise Thoughts for Every Day, hay For Every Day (Tạm dịch: Minh triết cho mỗi ngày, hay Cho mỗi ngày, 1909). Tuy vậy, đến năm 1995, sách mới được phát hành ở Nga và mau chóng trở thành sách best seller. Năm 1997, Peter Sekirin dịch cuốn sách sang tiếng Anh và xuất bản với tên A Calendar of Wisdom (Lịch minh triết).

Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa sinh năm 1947 tại Quảng Trị. Ông tốt nghiệp môn Triết ở Đại học Văn khoa Huế và hiện sống ở Đà Lạt. Sau cuốn Suy niệm mỗi ngày, ông chuẩn bị giới thiệu đến độc giả các ấn phẩm dịch: Nghệ thuật sống - Epictetis, Tự thú của Lev Tolstoy, Những suy niệm của Marcus Aurelius.

Theo: vnexpress.net
>

Tình yêu và tội ác trong tiểu thuyết 'Hoa súng đen'

Tiểu thuyết trinh thám của Michel Bussi không chỉ có bí mật kinh hoàng về hàng loạt vụ giết người mà còn đầy chất men say về tình yêu và sự bất diệt của cái đẹp.

Tên sách: Hoa Súng Đen
Tác giả: Michel Bussi
Dịch giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Nếu bạn đã từng say mê tiểu thuyết Phía Sau Nghi Can X của nhà văn Nhật Higashino Keigo hay Trước Lúc Ngủ Say của nhà văn Mỹ S.J.Watson, cuốn Hoa Súng Đen của Michel Bussi là một lựa chọn vừa vặn cho dòng tiểu thuyết trinh thám giàu tư duy logic. Sách cũng chứa ngôn ngữ điện ảnh tuyệt vời.

Khu vườn với ngôi làng Giverny là bối cảnh cho tiểu thuyết trinh thám của Michel Bussi. Trong mười ba ngày, hàng loạt vụ giết người khuấy động cảnh tĩnh mịnh của Giverny. Và hình ảnh đóa hoa súng đen mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đóa hoa súng nở tặng cho những gì đã mất và bất diệt. Đóa hoa duy nhất, huyễn hoặc nhất trong khu vườn ao tuyệt đẹp. Mà cái đẹp thì luôn ẩn chứa, khơi nguồn muôn vàn bất trắc lẫn bí mật kinh hoàng.

Tác phẩm kể câu chuyện về ba người đàn bà sống trong một ngôi làng. Người thứ nhất độc ác. Người thứ hai dối trá. Người thứ ba ích kỷ. Tuy nhiên, họ có cùng một điểm chung, một bí mật: cả ba đều mong ước ra đi, muốn thực hiện một cuộc vượt thoát. Tác phẩm dẫn người đọc qua mười ba ngày, chỉ trong mười ba ngày đủ để cho ba người phụ nữ rất khác nhau ấy hoàn tất ước mong trốn thoát. Từng trang sách như từng khuôn hình của một cuốn phim, tái hiện và dẫn dắt người xem vào cuộc đời của họ.


Cả ba đều nghĩ rằng ngôi làng là một nhà tù, một khu vườn lớn đẹp đẽ, nhưng được rào song sắt. Họ tìm cách bỏ đi bằng cách riêng của mình. Nhưng luật chơi khắc nghiệt, chỉ một trong ba người có thể thoát ra. Hai người kia phải chết.

Và hiện trường đầu tiên Hoa Súng Đen mang đến cho độc giả là án mạng bên bờ sông. Nạn nhân là vị bác sĩ phẫu thuật có tiếng, sở hữu một ngôi nhà đẹp nhất làng. Ông chết với một vết thương sâu thẳng vào tim, một đỉnh đầu cùng thái dương bị đập nát. Một cái chết bi thảm, khơi gợi một nốt nhạc tinh tế sầu bi mà tiểu thuyết gia đánh lên, khởi nhịp cho người xem thấy bức tranh thứ nhất trong ngày thứ nhất.

Tiếp theo từ đó, như một cuốn lịch mà các tù nhân bóc gỡ trong vùng không gian tối ám đóng khung rào chặn. Hình ảnh từng người một hiện lên sáng rõ, từ hình dáng, đến tính cách và tâm hồn. Đại diện trong số đó là cô gái trẻ nhất, ngây thơ nhất, mười một tuổi, người thứ ba.

Đúng với chất Pháp, sự nhẹ nhàng lãng mạn, sự thanh lịch đến xa hoa trong những góc nhìn, miêu tả qua từng vụ án. Michel Bussi, bằng sợi chỉ mảnh, mềm mại, buộc người đọc quan sát và tưởng tượng một cách bền bỉ. Tác giả liên tục quấn chặt độc giả vào câu chuyện hết sức khéo léo, để họ không được bỏ lỡ một chi tiết nào trong suy đoán hung thủ là ai. Nhưng tinh tế ở chỗ, nhà văn Pháp không để dấy lên bất kỳ sự mệt mỏi lấn át hay không gian quá căng thẳng kiệt sức mà họ phải ngừng lại, thoát ra. Ông duy chỉ để cho ba người phụ nữ ấy, quá tuyệt vọng và quá hãi hùng trước từng ngày mòn mỏi mà phải tháo cũi, phải trốn chạy, phải tìm bằng được niềm vui, tình yêu và hạnh phúc cho chính mình.

Không thể thiếu trong khung hình đó, trong khu vườn trần gian não lòng đó, là hình ảnh viên thanh tra cảnh sát đẹp trai, phong trần, chỉ bận tâm đến người phụ nữ thứ hai - người đẹp nhất. Anh là phông nền hoàn mỹ, điểm thu hút thêm trong quyển tiểu thuyết. Một con người dù không rõ xuất thân nhưng có đặc điểm riêng, tạo được sự tin yêu và nguồn cảm hứng sống cho những người quanh mình. Anh là đại diện cho phái mạnh mà Michel muốn nói đến: bọn đàn ông quá yếu đuối, quá coi trọng sự nghiệp. Để đâu đó trong cuộc đời của những phụ nữ phải chất ngất niềm khổ đau và bất hạnh.

Nhưng qua từng trang sách, có điều gì đó luôn ngự trị, như là... tình yêu. Một tình yêu trước sau như một. Một tình yêu muôn đời âm ỉ khôn nguôi, đã nở trong ngày cuối cùng, một đóa hoa đen vô giá.

Mặt hồ vẫn phẳng lặng nằm soi chứa từng thời khắc biến chuyển qua đi. Khu vườn vẫn tĩnh lặng, vẫn đầy những luống hoa không thẳng hàng, mọc rất tự nhiên quanh năm đua nở rất xinh tươi. Để mọi thứ đêm ngày không ngừng chứa đựng riêng mộng mị trong lòng, một sôi sục, ngấm ngầm, uẩn ức, khuấy động.

Truyện kết lại với hình ảnh người đàn bà thỏa lòng trước chiếc gương, mang một ám ảnh da diết về sự bất diệt của cái đẹp, của bi kịch tình yêu:

"...
Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ
Như cố tình nàng dày vò trí nhớ
Suốt ngày dài ngồi bên tấm gương soi
Khơi bùng lên hoa lửa mãi không thôi
Chẳng nói như ai khi soi gương rực rỡ
Như cố tình nàng dày vò trí nhớ
Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây
Cuộc đời oái oăm như tấm gương soi
Chiếc lược phân chia ánh lửa vàng óng ả
Làm lóe sáng trong tôi bao trí nhớ
Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây
Như thứ năm cứ hàng tuần ngồi đó
Một ngày dài ngồi soi vào trí nhớ
Nàng thấy nhòa đi trong tấm gương soi..."

(Enxa Ngồi Trước Gương, Phùng Văn Tửu dịch)

Theo: vnexpress.net
>

'Nhật ký chuyên Văn' - tấm vé về lại tuổi học trò

Cuốn sách đưa người đọc về thời "nhất quỷ nhì ma" khắc họa hình ảnh học đường những năm 1990.

Trong hình dung của nhiều người, học sinh lớp chuyên Văn sẽ là những con mọt sách, kính cận dày cộp, lơ ngơ với mớ áp lực thi cử, học hành. Nhưng đọc Nhật ký chuyên Văn: Ông thầy, 3 con chim quý và 23 con bìm bịp, ta sẽ thấy ba năm học của lớp chuyên khóa 92-95 trường Hà Nội - Amsterdam tràn ngập niềm vui. Vui tới mức các thành viên không ngại ngùng thổ lộ nhớ lớp, mong chóng qua kỳ nghỉ hè để được tới lớp học.

Sách xuất bản từ những cuốn nhật ký xuyên suốt 3 năm học của lớp, với nguồn cảm hứng từ cuốn sổ tay mà thầy dạy Văn, cũng là giáo viên chủ nhiệm, tặng cả lớp ngày đầu nhập học. 26 thành viên (sau này còn 22) đã luân phiên ghi lại nhật ký của lớp trong suốt ba năm tuổi hoa.


Từng trang viết của Nhật ký chuyên Văn đưa người đọc trở về thời ô mai khi xoay quanh những chuyện "trời ơi đất hỡi" của một tập thể lớp, khơi lại ký ức học trò của bao người. Ở đó, ta thấy những bài kiểm tra đầu giờ, những cuốn sổ ghi đầu bài, những buổi học, giờ chơi ngoại khóa... Những chuyến dã ngoại, trốn học tập thể, các trò nghịch ngợm như "dán đuôi" vào lưng áo bạn...

Sách vừa mang đặc điểm của tuổi học trò, vừa có chất riêng của dân Văn. Các thành viên gọi tình trạng "âm thịnh dương suy" trong lớp với ba nam, 23 nữ theo nhiều cách, vừa văn chương vừa hài hước như: "dân tộc thiểu số và phe quần hồng", "một ông thầy, ba con chim quý và 23 con bìm bịp". Lớp toàn nữ, nhưng tinh thần thể thao rất cao. Chuyện thi đấu bóng rổ được kể: "Thôi, chỉ cần bóng rổ cũng đủ. Quên chuyện học hành đi. Chán đời lắm rồi". Bóng rổ cũng đi vào thơ với Lớp 10 Văn Phú (viết theoBạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu). Phần giới thiệu về lớp bắt đầu bằng: "Thơ về cái lớp 10 Văn/ Học hành thì 'tuyệt' mà ăn cũng tài. Mười Văn đã có những ai?/ Hai mươi sáu đứa, ba trai thôi mà/ 23 công chúa tinh ma/ Đúng là nhất quỷ... thứ ba học trò".

Nhật ký chuyên Văn cũng khắc họa chân dung người thầy. Nhân vật "ông thầy" hiện lên với vẻ đạo mạo, khả kính, nhưng bao dung, nhiệt huyết. Chính cuốn sổ ông trao cho học trò để các em ghi nhật ký là minh chứng cho việc trao sự tự do, khuyến khích các em thể hiện tình cảm, cái tôi cá nhân mỗi người. Cũng bởi không khí cởi mở, thân thiện thầy tạo ra, các thành viên chuyên Văn 92-95 mới có thể viết về thầy cô bằng những tên gọi đầy trìu mến như: "ông già tốt bụng", "cô quần áo đẹp", "bố già lắm chiêu"...

Không gói gọn là cuốn nhật ký của một tập thể lớp, Nhật ký chuyên Văntrở thành sách ghi lại chuyện học đường một thời. Trong những năm 1992-1995, học sinh, dù là trường chuyên, cũng không phải học tập quá nhiều, khi họ chỉ đến trường ngày một buổi. Từ cách học, ăn uống, giải trí, phương tiện đi lại của lứa học trò những năm 1990 được phản ánh cụ thể. Thế hệ ấy bước đầu được hưởng thành quả của đổi mới, mở cửa. Họ đã nghe nhạc Tây, xem các bộ phim kinh điển của điện ảnh nước ngoài, hâm mộ những ban nhạc thần tượng.


Được viết bởi những tác giả không chuyên, tính trung thực của Nhật ký chuyên Văn được xác minh tới từng ngày, tháng, tên người viết. Là những học trò "văn hay chữ tốt" nên văn phong của sách mạch lạc, trong sáng. Mỗi tác giả một cá tính, một cách viết tạo sự đa dạng. Người đọc có thể tìm thấy sự trầm tĩnh, suy tưởng qua dòng chữ của Hồng Hạnh, Đinh Thủy, tính liên tưởng qua bài viết của Quý, sự lãng mạn qua trang viết của Cẩm Hà, giọng trần thuật sinh động của Mai Liên... Cuốn sách cũng có hình ảnh, tranh vẽ minh họa ngộ nghĩnh của các "họa sĩ nửa mùa" trong lớp. Những trang nhật ký rời rạc của mỗi cá nhân được biên tập khéo thành ba chương, trong đó mỗi chương mang một đặc trưng riêng với "tuổi 16 mộng mơ, 17 hoài nghi, 18 nổi loạn".

Cuốn Nhật ký chuyên Văn không có nhân vật chính, chẳng có cao trào, thắt nút, mở nút, cũng không cố tình đưa ra triết lý nhân sinh cao cả. Sách ấy không dành cho những ai muốn tìm một kiệt tác văn học trong đó. Nhưng nó là tấm vé cho bất cứ ai đang bận rộn với cuộc sống, có thể trở lại tuổi hoa, tìm lại những đẹp đẽ mà chỉ đặc quyền của tuổi học trò mới có.
>

Bản dịch tiếng Việt không lột tả được cái hay của 'Bắt trẻ đồng xanh'

Tôi cho rằng đã có những "rơi vãi" đáng kể trong việc dịch một tuyệt tác văn học đầy tính triết lý như cuốn sách này sang tiếng Việt...

Tôi không phải là dân mọt sách nhưng thỉnh thoảng có thời gian cũng đọc một vài quyển. Một trong những tác phẩm tuy không dài nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là cuốn "Bắt trẻ đồng xanh" (The catcher in the rye) của nhà văn người Mỹ, J.D. Salinger.

Tôi tình cờ nhặt được quyển sách này (bản tiếng Anh) của ai đó bỏ rơi hơn chục năm về trước, mang về nhà đọc và thấy rất thú vị. Gần đây, tôi có đọc lại cuốn này một lần nữa và thấy câu chuyện vẫn rất hấp dẫn, đầy sức sống.

Cách suy nghĩ, triết lý thông thái hoặc đôi khi là “cùn” của cậu bé Holden Caulfield, nhân vật chính trong cuốn sách được viết từ năm 1951 này hầu như vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa trong cuộc sống đương đại.

"Bắt trẻ đồng xanh" được coi là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất của Hoa Kỳ và văn học thế giới nói chung. Nó đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới. Tổng thống George W. Bush từng nói rằng đây là cuốn sách kỳ diệu đã truyền cho ông nhiều cảm hứng.

Cuốn sách này cũng được cho rằng đã gây ảnh hưởng đến nhiều vụ việc đình đám trong lịch sử như các vụ ám sát ca sĩ John Lenon, tổng thống Ronald Reagan… Chẳng liên quan gì đến đồng quê như tiêu đề, đây lại là câu chuyện về chuyến "dạt vòm", lang thang của một cậu bé 16 tuổi sau khi bị đuổi học.

Cuộc phiêu lưu 4 ngày của Holden tại New York (nơi gia đình cậu đang sinh sống) có đầy đủ mùi vị của rượu thuốc, gái gú và cả văn hóa nghệ thuật hay các cuộc hẹn hò lãng mạn, lòng vị tha, cô đơn…

Hình ảnh minh họa tác phẩm "Bắt trẻ đồng xanh" bản tiếng Anh.
Một người bạn của tôi cũng đã đọc "Bắt trẻ đồng xanh" (bản tiếng Việt). Nói chuyện với anh ấy về nội dung câu chuyện, tôi thấy cảm nhận của chúng tôi về cuốn truyện khá khác nhau, có lẽ là do những khác biệt đáng kể giữa bản dịch và bản gốc tiếng Anh. 

Đành rằng khi chuyển ngữ một câu chuyện từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác không thể nào tránh khỏi sự rơi vãi ngôn từ hoặc rào cản khác biệt văn hóa. Tuy nhiên, việc truyền tải đúng thông điệp, ý tưởng của người viết là tối quan trọng và điều này đôi khi đã bị chệch hướng

Trích đoạn đối thoại của Holden và ông thầy Spencer trước ngày cậu rời khỏi trường vì bị đuổi học: “Life is a game, boy. Life is a game that one plays according to the rules”. “Yes sir, I know it is, I know it”, game my ass. If you get on the side where all the hotshots are then it’s a game, I’ll admit that. But if you get on the other side where there arent any hotshots then what’s a game about it. Nothing. No game.

Bản dịch: “Cuộc đời là một ván bài, em phải chơi theo đúng luật lệ. “Em biết rồi, em biết cả đó”. Hừm, bài với chả bạc, nếu ở phía bên vận đỏ thì ví đời là canh bạc cũng chả sao, thử đặt mình vào bên vận đen xem lúc đó đời có còn là canh bạc không. Chẳng giống nhau chút nào hết".

Rõ ràng, đã có một sự chệch hướng hoàn toàn trong bản dịch nội dung đoạn thoại trên. Ông thầy không nói với Holden “cuộc đời là một ván bài” (thầy không thể dạy trò triết lý sống kiểu bài bạc như vậy) mà phải hiểu ông nói là “cuộc đời là một trận đấu” (hai người mới nói đến trận bóng của trường ở đoạn trước), “em phải chơi theo luật của nó”.

Holden nói “em biết, em biết rồi” nhưng trong đầu của cậu lại nghĩ: “Đấu cái chết tiệt, nếu đội của mình có cầu thủ giỏi thì còn có thể đấu, chứ bên mình mà chẳng có ai ra hồn thì đấu điếc cái gì nữa”. Suy nghĩ này của Holden cũng chính từ việc cậu cho rằng thầy trò trường cậu chẳng coi ai ra gì nên cậu đã chán không muốn học ở trường này nữa.

Bìa cuốn sách bản Anh và bản Việt.
Đoạn Holden nghĩ về tụi con gái: “The trouble with girls is, if they like a boy, no matter how big bastard he is, they’ll say he has an inferiority complex, and if they don’t like him, no matter how nice a guy he is or how big an inferiority complex he has, they’ll say he is conceited”.

Bản dịch: “Mọi bất hạnh đối với con gái đều ở chỗ nếu chúng thích một thằng nào đó thì dù thằng kia đê tiện trăm lần chúng sẽ nói thằng đó tổng thể chưa hoàn thiện, còn nếu chúng không ưa thì dù thằng đó giỏi trai nhất thế giới với một tổng thể hoàn thiện nhất thì chúng vẫn nói là hắn tự cao”.

Đoạn này phải hiểu là: “Bất hạnh đối với tụi con gái là ở chỗ nếu chúng thích một thằng nào đó thì dù thằng đó khốn nạn thế nào, chúng sẽ nói thằng đó hay mặc cảm tự ti, còn nếu chúng không ưa thì dù thằng đó có tử tế hay thực sự tự ti thì chúng vẫn nói là hắn tự cao tự đại”.

Đoạn thầy Antolini chỉ bảo Holden: “The mark of the immature man is that he wants to die nobly for a cause while the mark of the mature man is that he wants to live humbly for one”.

Bản dịch: “Dấu hiệu thiếu chín chắn của con người là anh ta muốn chết cho một sự nghiệp chính nghĩa, còn dấu hiệu chín chắn là anh ta muốn sống yên bình cho sự nghiệp chính nghĩa”.

Đoạn này phải hiểu là: “Dấu hiệu của người chưa trưởng thành là anh ta muốn chết cho môt mục đích cao thượng còn dấu hiệu của người trưởng thành là anh ta muốn sống vì một mục đích khiêm nhường”.

Tôi chưa đọc hết "Bắt trẻ đồng xanh" bản tiếng Việt, nhưng tham khảo một vài đoạn trích tiêu biểu nói trên, tôi cho rằng đã có những rơi vãi đáng kể trong việc dịch một tuyệt tác văn học đầy tính triết lý như cuốn sách này sang tiếng Việt.

Liệu độc gỉa Việt có bắt hết được hồn cốt của "Bắt trẻ đồng xanh" hay không, và còn bao nhiêu tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng khác đã được dịch sang tiếng Việt ra sao? Tôi không rõ lắm vì không phải là dân văn chương.

Theo: vnexpress.net
>

Tiểu thuyết Lạc nhau giữa thanh xuân tươi đẹp nhất - Angela Nguyễn

Hai người bạn thân từ thửa nhỏ gắn bó với nhau như chị em ruột, cùng yêu một chàng trai đa nhân cách. Cuối cùng ai sẽ thuộc về ai?

Tiểu thuyết Lạc nhau giữa thanh xuân tươi đẹp nhất
Tác giả: Angela Nguyễn

Một đứa con rơi của triệu phú ẩn danh trên thế giới, đã làm đủ mọi cách để tồn tại trong một gia tộc lớn, chứng kiến sự hi sinh thầm lặng của người mẹ mình hết mực yêu thương cho cuộc đời này. Anh sẽ chọn tình yêu hay gia tộc và danh vọng? Chọn cuộc sống tự do của riêng mình hay vì mẹ và những đánh đổi trong quá khứ mà đi tiếp con đường đã định sẵn?

Chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: Sang, An Thư và Thái Hằng. Bên cạnh đó Hương Thúy, Khả Tâm, Danh , Xuân Nhật là tuyến nhân vật phụ với khát khao về tình yêu bỏng cháy và loay hoay với sự cô đơn và trống rỗng trong vỏ bọc những người trẻ thành công của một xã hội hiện đại. Sang là con trai của một gia đình danh giá giàu có bậc nhất tại thành phố, đẹp trai, học giỏi, lại là du học sinh. Anh là một con người sống hai mặt, một đạo đức, một thác loạn và luôn tìm cách trả thù những người đã mang đến nỗi đau cho mình. Anh trải qua nhiều mối tình với nhiều người con gái, và luôn để lại cho họ nỗi đau thương khắc cốt ghi tâm. Anh và An Thư là đôi bạn thanh mai trúc mã, yêu nhau từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường và dự định kết hôn. Anh tập hợp những người bạn vô cảm và sống trong bất hạnh gia đình như mình thành một nhóm người mang những ý nghĩ tiêu cực và chết chóc. Họ là bóng đen hắc ám của cuộc sống.

Lạc nhau giữa thanh xuân tươi đẹp nhất
Thái Hằng là một cô gái nghị lực, sống trong nghèo khổ và hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Cô luôn phải cắn môi kiêu hãnh mà bước từng bấc thang trong xã hội bằng tất cả những gì có thể: Tài năng, học vấn, thủ đoạn, sắc đẹp và thân xác bản thân. Cô luôn yêu Sang, một tình yêu mãnh liệt chưa bao giờ được đáp lại. Vì Sang luôn xem cô như một đẳng cấp thấp hơn một bậc, và anh lại là bạn trai của người bạn thân nhất của Hằng.

An Thư là một cô gái tốt, cô ngây thơ, trong trắng và luôn bị lợi dụng vì lòng tốt ấy. Mẹ bỏ đi khi cô còn nhỏ, bạn thân quay lưng, đến người bạn trai mà cô yêu thương nhất cũng phản bội mình. Cô bị ám ảnh về việc quan hệ giới tính vì sự cố trong quá khứ. Luôn tin vào tình yêu, cuối cùng cô cũng tìm được bến đỗ hạnh phúc cho mình và tình bạn tưởng như đã mất. Các nhân vật đều gắn kết với nhau bởi tình yêu. Cũng chính vì tình yêu, mà họ có thể làm tất cả, giết người, hại lẫn nhau, hi sinh cả cuộc sống của mình, thậm chí sự sống. Vụ án của cô gái tên Hoài năm xưa đã mở ra nhiều bí mật kinh hoàng trong quá khứ, ngay cả người trong cuộc cũng không thể ngờ đến.

Thanh xuân là để yêu

Ẩn sau những khuôn mặt xinh đẹp, lại là những con người vô cùng giả dối, ác độc và ích kỷ.

Ẩn sau sự tàn nhẫn và vô tình đâu đó lại có tình người.

Hãy tin vào tình yêu, vì cuối cùng nó sẽ giúp ta vượt qua tất cả. Thanh xuân là để yêu.

Nguồn: Du học Tân Đại Dương
>

Chuyện Tony ở Harvard

Đại học Ha Vợt nhé, không phải Ha Vớt như 1 số người nói đâu nha. Ai nói Ha Vớt, Tony không có hài lòng. Chữ "Vợt" nghe nó có tính chất thể thao, còn Vớt nghe như đậu vớt, vớt vát, trục vớt....Vậy nên ngoài biệt danh Tony Tèo, Tony Phân, có thể nói thêm Tony Ha Vợt. Nghe cường tráng gì đâu.

Chuyện bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2007, giáo sư John Quelch, phó hiệu trưởng trường kinh doanh Harvard Business School ( HBS) có đến VN. Ông này là cây cao bóng cả về lĩnh vực thương hiệu. Ông thích thú với Nha Trang một cách đặc biệt ( chắc giống Yersin, vĩ nhân hay thích Nha Trang). Tony cũng có đi tắm bể hôm ấy. Thấy Tây đang bơi thì bu lại rèn luyện tiếng Anh. Tạt nước, lặn, cút, đắp lâu đài cát, búng tay tôm tép.... với ổng một hồi mới biết ổng là Prof John Quelch. Bon chen cuối cùng Tony cũng có 1 cái danh thiếp của ổng. Thế rồi quên béng mất, lúc đó VN đang sốt mọi thứ, từ đất đến vàng, chứng khoán, làm gì cũng có tiền. Vung tiền ôm hết, Tony trở nên hết sức giàu có. Nghĩ mình đã bước 1 chân vào giới thượng lưu, chuẩn bị mua siêu xe dzớt Hồ Ngạc Hòa rồi trên tay Cường Đô Loa. Sau đó đâu được hơn năm thì bong bóng xẹp, Tony bị vứt chỏng chơ ra ngoài xã hội, nghèo khổ, rách rưới, tuy gương mặt hãy vẫn còn thanh tú. Bất chấp suy thoái hay khủng hoảng, gương mặt anh ấy vẫn đẹp 1 cách rạng rỡ... Biệt thự, siêu xe...dần dần bán hết, đến cái nhà trọ cũ kỹ cũng bị bà chủ vứt đồ ra đường, đuổi đi. Trong đống đồ vứt đó, rơi ra cái danh thiếp của giáo sư John Quelch. 

1 đêm mưa buồn lạnh lẽo, Tony bèn chong đèn lấy ipad gửi meo cho ổng, nói giờ con rảnh quá hà, cho con qua học với. Đâu lúc sau ổng trả lời, nói ừa, qua học đi. Mình nói hẻm có tiền. Ổng nói thôi qua học miễn phí đi, tiền bạc gì, mày khách sáo quá. Cái mình xách đít qua Ha Vợt học. 

Khi vác mặt qua bên đó học, thì mới thấy ủa trường này cũng đẹp và nổi tiếng. Chụp hình thôi là chụp hình. Tỷ lệ vô học trường HBS là cao nhứt trong hệ thống các trường Ha Vợt, nhưng cũng khoảng 14%. Bên Y hay Luật khó vô hơn. Các danh nhân từ cổ chí kim có nhiều, như ông cựu TT Bush, ông Obama, hay ông tổng thơ ký LHQ bây giờ, cái ông gì người Hàn Quốc quên tên òy. Rồi bảng vàng rồi đây sẽ có Tony Tèo...biết đâu được. Mình có hỏi ủa sao nhận tui vô rồi cấp học bổng tàn phần cho tui vậy, ngoài ngoại hình ra, tui có gì khác xuất sắc chăng? Mấy cô phòng đào tạo nói ai biết, thấy có thơ thầy hiệu phó nói nhận mày vô đi, tao tưởng mày bạn của Bạc Qua Qua hay con ông tổng thống cái đảo quốc nào đó chớ. Cuối cùng thì mới biết là 1 ngày có hàng ngàn thư gửi sang xin học, nhưng toàn gửi phòng đào tạo hay bộ phận tuyển sinh, chỉ có mỗi mình là gửi cho hiệu phó. Ổng rảnh quá, đọc thư xong reply luôn. Trong thư, thầy nói mày viết sai chính tả hết trơn nhưng tao đoán ý thì hiểu. Viết dễ thương lắm Tony à. Không biết mày ăn gì mà viết dễ thương quá. 

Lúc qua, cô bé làm phòng giáo vụ hỏi mày muốn học cái gì. Mình nói đâu đưa menu cho tao lựa. Lựa tới lựa lui một hồi mới chọn được chương trình chuyên tu tại chức văn bằng 2. Nói sẵn tiện cho tao học luôn tiến sỹ nha, vì tao đang lòm cái tiến sỹ ở quê nhà nhưng học hẻm nổi vì mấy thầy bên đó đang cãi nhau, bữa bắt định lượng, bữa bắt định tính, hệ Liên Xô và hệ Âu Mỹ đối đầu nhau chan chát. "Làm sao có thể tốt cho cả hai?". Chỉ có Ưng Hoàng Phúc mới trả lời được. Lúc vào lớp, mình chẳng biết nói gì chỉ cười. Vì nghe có hiểu mẹ gì đâu. Lâu lâu đứng lên phát biểu cả lớp cười bò. Rồi bắt đầu mọi người hâm mộ, nói ủa mày dân châu Á sao ăn nói sáng tạo quá vậy, tao thấy tụi châu Á đứa nào cũng rất là stereotype. Thầy cô cũng bắt đầu hâm mộ, nói thằng này nói chiện nghe vui và dễ thương quá nè. Mỗi lần Tony nói là SV cả lớp im lặng, vì Tony nói là tao phát âm tiếng Anh theo 1 trường phái riêng, và có sở thích hay nuốt chữ, swallow words, nên tụi mày phải tập trung hết sức, tao không nói lại 2 lần như thi Tóp Phô đâu. 

Rồi Tony cũng hay dọa nghỉ học. Ngày nào cũng mang kẹo dừa xuống phòng hành chính, ép ăn rồi chọc ghẹo mấy chị rồi nói bóng gió xa xôi chuyện nghỉ học để trở thành tỷ phú, giống Bill Gate và Mark Zuckerberg, cũng là cựu SV của trường nhưng hẻm có tốt nghiệp được. Nên mấy thầy sợ hãi, bữa nào vào lớp cũng lụm cụm đi điểm danh ( mấy thầy trường HBS già lắm), cứ thấy Tony ngồi 1 góc đang giũa móng tay, thì mới yên tâm giảng dạy. Mấy ổng nói, nếu cho mày nghỉ, thế giới có thể có thêm 1 tỷ phú nữa, nhưng HBS hết vui. Các bạn người Ecuador hay Chile gì đó cũng nói nếu Tony nghỉ học thì họ cũng bỏ học về nước. Cái thôi, mình học tiếp. Mình hay vì mọi người. Bữa nay thầy Michael Porter nói mới biết, cả trường xưa nay có hàng ngàn sinh viên bỏ học, nhưng chỉ có 2 tỷ phú, còn nhiêu đi móc bọc nylon hết rầu. 

Chu cha, vậy thôi, học, học

Học, học nữa, học mữa.....

Trích: Cà phê cùng Tony
>

Màu sắc của cầu vồng

Ngày xưa, các màu sắc tồn tại trên thế giới bắt đầu một cuộc tranh cãi.
Tất cả đều cho rằng mình là nhất. Quan trọng nhất, hữu ích nhất, đẹp đẽ nhất và được yêu thích nhất.

Màu xanh lục nói:
“Rõ ràng tớ là quan trọng nhất. Tớ là dấu hiệu của sự sống và hy vọng.”
"Tớ được chọn làm màu của cỏ, cây và lá. Không có tớ, các con vật sẽ chết hết. Hãy nhìn miền đồng quê đi rồi các cậu sẽ thấy tớ tràn ngập khắp nơi.”

Màu xanh nước biển ngắt lời:
“Cậu chỉ nghĩ về đất, thế có nghĩ tới trời và biển chưa. Chính nước là cơ sở của sự sống và tạo thành mây từ biển sâu. Bầu trời mang lại không gian và sự an lành, quang đãng. Không có sự an lành của tớ, các cậu sẽ chẳng là gì cả.” 

Màu vàng tủm tỉm: 
“Các cậu đều quá nghiêm trọng hóa. Tớ mang lại tiếng cười, sự ấm áp cho thế giới. Mặt trời màu vàng, mặt trăng màu vàng, và các ngôi sao cũng màu vàng. Mỗi lần các cậu ngắm một đóa hướng dương, cả thế giới bắt đầu mỉm cười. Không có tớ, sẽ chả gì vui hết.” 

Màu cam bắt đầu thổi chiếc kèn của mình. 
“Tớ là màu của sức khỏe và sức mạnh. Có thể tớ ít được thấy, nhưng tớ rất quý giá vì tớ phục vụ cho nhu cầu của con người. Tớ mang những vitamin quan trọng nhất. Hãy nghĩ tới cà rốt, bí đỏ, xoài và đu đủ. Tớ không có mặt mọi lúc mọi nơi. Nhưng khi tớ phủ lên bầu trời khi bình minh và lúc hoàng hôn, vẻ đẹp của tớ lại quá nổi bật đến nổi chả ai nghĩ tới các cậu nữa.” 

Màu đỏ không thể đứng yên nữa và hét to: 
“Tớ là kẻ thống trị tất cả các cậu. Tớ là máu – máu của sự sống! Tớ là màu của nguy hiểm và dũng cảm. Tớ sãn sàng đấu tranh vì chính nghĩa. Không có tớ, trái đất cũng trống không như mặt trăng. Tớ là màu của đam mê và của tình yêu, của hoa hồng, hoa trạng nguyên và hoa anh túc.” 

Màu tím vươn hết chiều cao của mình. Nó rất cao và nói hết sức hoành tráng: 
“Tớ là màu của thủy chung và quyền lực. Các vị vua, lãnh đạo và giám mục đều luôn luôn chọn tớ vì tớ là dấu hiệu của quyền năng và thông thái. Không ai chất vấn tớ! Họ lắng nghe và tuân lệnh.” 

Cuối cùng màu chàm lên tiếng, im ắng hơn tất cả màu khác. Nhưng rất quả quyết: “Hãy nghĩ về tớ. Tớ là màu của im lặng. Các cậu khó nhận ra tớ, nhưng không có tớ thì tất cả các cậu đều trở nên hời hợt hết. Tớ đại diện cho tư duy và phán đoán, chạng vàng và nước sâu, để cầu nguyện sự an lành trong tâm hồn.”


Và cứ thế các màu sách cứ khoác lác lẫn nhau. Mỗi màu đều thuyết phục về sự ưu trội của mình. Chúng cãi nhau ngày càng dữ dội hơn. Bỗng nhiên có một tia chớp sáng lóa, sấm cuồn cuộn ầm vang. Mưa bắt đầu tuôn xối xả. Các màu co rúm lại vì sợ xích lại gần nhau cho bớt sợ. 

Giữa tiếng ầm ào. Mưa bắt đầu lên tiếng: “Hỡi các màu sắc xuẩn ngốc, tranh giành nhau, ai cũng muốn thống trị người khác. Các cậu không biết rằng mỗi câu đều có một mục đích đặc biệt, duy nhất và khác biệt ư ? Hãy nắm lấy tay nhau và đến bên tôi.” 

Nghe lời, các màu sắc hợp lại và nắm tay nhau. 

Mưa tiếp lời: 
“Từ giờ trở đi, khi trời mưa, mỗi cậu hãy trải dài ra cả bầu trời. vòm cung màu sắc rộng dài đó là một lời nhắc nhở rằng tất cả các cậu sống trong hòa bình. Cầu vồng là dấu hiệu của hy vọng tương lai.” Và vì thế, khi trận mưa rơi xuống trần gian, một chiếc Cầu vồng xuất hiện trên bầu trời, là để nhắc chúng ta nhớ trân trọng người khác.

>

Không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải là người chiến thắng

Những người luôn có khuynh hướng quá cạnh tranh với người khác hay những người lúc nào cũng muốn chiến thắng đều luôn cảm thấy bị thua thiệt và không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn cho dù kết quả thế nào đi nữa. Nếu thất bại, họ sẽ hết sức thất vọng, còn nếu chiến thắng thì đối với họ, đó chỉ là chuyện hiển nhiên và cũng chẳng có gì đáng để vui mừng cả.

Có một điều mà những người như vậy không nhận ra là: niềm vui thực sự chỉ có được khi bản thân mỗi người vượt qua được chính mình của ngày hôm qua chứ không phải là vượt hơn người khác.

Năm 1972, Richard Nixon đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia cuộc chiến chạy đua bầu cử nhằm tái đắc cử tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ tiếp theo. Nixon đã chỉ đạo ban thực hiện chiến dịch của mình dùng mọi biện pháp có thể để giành được càng nhiều phiếu càng tốt. Sự kiện được biết đến nhiều nhất là việc Nixon đã chỉ đạo những cuộc đột nhập bất hợp pháp mà họ sắp đặt tại toà nhà Watergate, tổng hành dinh của đảng Dân chủ, nhằm cài đặt các thiết bị nghe lén.



Thêm vào đó, các nhân viên của uỷ ban vận động này còn dính líu vào hàng loạt các vụ việc mà ngay chính Nixon cũng phải thừa nhận là "những trò dơ bẩn". Chẳng hạn, họ gọi điện đặt hàng trăm chiếc bánh Pizza và nhờ mang đến văn phòng của một người viên đảng đối lập khác cũng đang tranh cử. Hoặc họ cho người phao tin rằng cuộc họp nào đó của một phe đối lập đã bị hủy. Họ gọi điện đến các hội trường, nơi phe đối lập đã liên hệ để tổ chức những cuộc họp, hủy bỏ việc đặt chỗ của đối phương. Tại sao Nixon lại làm như vậy? Vì Nixon luôn sợ thất bại, ông bị ám ảnh bởi tham vọng rằng phải chiến thắng trong cuộc tranh cử bằng mọi giá và ông ta đã áp dụng những thủ đoạn được xem là hèn hạ nhất lúc bấy giờ.

Điều trớ trêu nhất là Nixon vẫn có thể chiến thắng mà không cần phải bày ra bất cứ trò nào như vậy - dù cuộc tham chiến phi nghĩa ở Việt Nam của chính phủ Mỹ lúc đó bị dư luận phản đối. Và chính vì không dám đón nhận thất bại nên ông đã bị cuộn theo những biện pháp cực đoan đó, để rồi cuối cùng phải trả giá bằng chính chiến thắng mà ông đã cố công theo đuổi: ông đã được đề cập đến như một trong những chính trị gia với những bê bối tệ hại nhất trong lịch sử tranh cử của Mỹ. Vụ Watergate - sau này gắn liền với tên tuổi Richard Nixon - là sự xỉ nhục lớn nhất trong các đời tổng thống Mỹ.

Tính cạnh tranh và cái tôi quá cao luôn làm cho nhiều người không bao giờ cảm thấy hài lòng về cuộc sống của mình vì đối với họ, sẽ chẳng có chiến thắng nào là đủ và thất bại là một vực thẳm khủng khiếp. Những người quá ganh đua luôn đánh giá thành công của họ thấp hơn những người biết dũng cảm vượt qua thử thách cũng như chấp nhận sai lầm hay thất bại của mình.
- Thurman-
>

Những cuốn sách kích thích máu trinh thám của độc giả

Nếu như Sherlock Holmes của Conan Doyle đã trở thành một tượng đài của thể loại truyện trinh thám thì 8 tác phẩm dưới đây sẽ càng khiến người đọc cảm thấy phấn khích, tò mò.

Gone Girl (Cô gái mất tích) - (Gillian Flynn - 2012): Truyện xoay quanh cuộc sống hôn nhân đầy sóng gió của Nick và Amy Dunne, và vai trò của Nick sau vụ mất tích đầy bí ẩn của vợ anh khi cô đang tận hưởng cuộc sống và sự nghiệp vô cùng viên mãn.
The Girl With The Dragon Tattoo (Cô gái với hình xăm rồng) - (Stieg Larsson - 2005): Cuộc sống của nhà báo điều tra danh tiếng Mikael Blomkvist đang rơi vào bế tắc cho đến khi vị CEO đã nghỉ hưu người Thụy Điển ngỏ lời giúp đỡ anh, với một điều kiện Mikael Blomkvist phải giải mã bí ẩn vụ mất tích của cháu gái ông ta với sự trợ giúp đắc lực từ thiên tài công nghệ Lisbeth Salander – cô gái với hình xăm rồng.
The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) - (Dan Brown - 2003): Nhà biểu tượng học Robert Langdon bị đánh thức giữa đêm để đến hiện trường vụ án bí ẩn của giám đốc bảo tàng Louvre. Điều kỳ lạ là tư thế nằm của nạn nhân trong vũng máu, không mảnh vải che thân, với một thông điệp đầy bí ẩn trên ngực. Ông cùng một nhà mật mã học người Pháp xinh đẹp bắt đầu tham gia hành trình giải mã vụ án.
Angels & Demons (Thiên thần & Ác quỷ) - (Dan Brown – 2000): Tiểu thuyết dành cho những tâm hồn mê văn học bí ẩn, khi Thiên thần & Ác quỷ đưa độc giả khám phá về một trong những hội kín nổi danh nhất thế kỷ - Illiminati. Hội tuy luôn bị nhà thờ Công giáo phản đối nhưng vẫn tồn tại hàng trăm năm qua, có liên quan mật thiết đến vụ khủng bố Vatican mà giáo sư Robert Langdon phải ngăn chặn.
And Then There Were None (Và rồi chẳng còn ai) - (Agatha Christie – 1939): Cuốn sách là một kiệt tác văn học khác của nữ tác giả người Anh viết về bí ẩn khi 10 người xa lạ bị kéo đến sống tại một hòn đảo hoang sơ, sở hữu bởi một triệu phú giấu mặt. Mười vị khách trên dù không ai biết ai nhưng đều đang gánh trên vai một bí mật bẩn thỉu, và tại hòn đảo này sinh mạng của họ sẽ bị đe dọa nếu không thừa nhận những tội ác kia.
The Girl Who Kicked the Hornets’ Nest (Cô gái đá tổ ong bắp cày) (Stieg Larsson – 2007): Cô gái đá tổ ong bắp cày được đánh giá là tác phẩm ấn tượng nhất trong loạt sách về các nhân vật nữ độc đáo Lisbeth Salander.
The Shining (Stephen King – 1977): Nam chính của truyện là nhân vật Jack Torrance – người thừa kế khách sạn Overlook Hotel khi anh chuyển về đây sống cùng gia đình. Mọi điều kỳ lạ tại khách sạn này bắt đầu khi những sự kiện kinh hoàng xảy ra trong quá khứ dần được tiết lộ nhờ khả năng ngoại cảm đặc biệt của con trai anh - danny.
Shutter Island (Dennis Lehane – 2003): Cuốn sách kể về hành trình của đại tá Teddy Daniels cùng cộng sự Chuck Aule đến đảo Shutter để điều tra vụ mất tích bí ẩn của nữ sát thủ Rachel Solando. Cô biến mất không dấu vết khỏi bệnh viện Ashecliffe Hospital – nơi chuyên điều trị nhưng tên tội phạm tâm thần – trong khi đang ở đảo Shutter hoàn toàn biệt lập với xã hội văn minh.
Theo: Zing
>

Liên kết website

X

Bạn cần tư vấn ?